Nhiên liệu thắp sáng (KO)

 07:28 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Giêng, 2012
Dầu hỏa dân dụng (KO – Kerosene Oil) gồm các loại dầu đốt chủ yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi được dùng làm chất hòa tan trong công nghiệp sản xuất vải dầu.
Dầu hỏa có khoảng nhiệt độ sôi thường từ 150 – 300 0C. Ngoài ra, loại nặng hơn có thể có nhiệt độ sôi từ 250 – 3500C, loại này thường dùng cho loại đèn dầu đặc biệt như đèn tín hiệu đường sắt, đèn hải đăng, đèn thắp sáng cho những loại tàu nhỏ.
Dầu hỏa dân dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn quy định như thành phần cất, màu sắc, chiều cao ngọn lửa không khói, nhiệt độ bắt cháy, điểm đông đặc, hàm lượng lưu huỳnh, …
Màu sắc:chỉ cho chúng ta thấy độ sạch của sản phẩm. Để xác định màu sắc của dầu hỏa, cần dùng phương pháp thử đo màu Saybolt. Đây là một trong những đặc tính quan trọng nhất của dầu hỏa.
Thành phần cất:phản án độ hóa hơi của của các loại cacbuahydro có trong dầu hỏa. Nếu nhiệt độ sôi ở các phần cất cao thì dầu hỏa khi cháy sẽ tạo thành hoa đèn (cháy thành than ở đầu bấc), bấc sẽ bị tắc do axit napthen đọng lại. Vì vậy, lượng dầu lên bấc sẽ bị giảm và làm cho ngọn lửa khi cháy bị yếu đi. Tuy nhiên, nếu dầu hỏa có giới hạn về nhiệt độ sôi thấp thì cũng có hại vì rất dễ cháy và gây ra hỏa hoạn. Ngoài ra, nếu hàm lượng có nhiệt độ sôi thấp nhiều sẽ gây hao hụt vì dầu hỏa sẽ dễ bay hơi trong khi vận chuyển và bảo quản. Thành phần cất của dầu hỏa được kiểm tra, đánh giá bằng phương pháp ASTM D86 và thường được quy định nhiệt độ sôi ở 10% và nhiệt độ sôi cuối.
Hàm lượng lưu huỳnh:Lưu huỳnh là một hóa chất gây ăn mòn phá hoại các bể chứa và dụng cụ đốt đèn. Ngoài ra, do dầu hỏa được sử dụng trực tiếp để thắp đèn, lưu huỳnh khi cháy bốc hơi sẽ trực tiếp gây hại đến sức khỏe con người. Để đảm bảo khi thắp đèn S cháy không có hại, lượng S trong dầu hỏa phải thấp hơn 0,3%. Phương pháp xác định hàm lượng S theo ASTM D1266.
Chiều cao ngọn lửa không khói:Cho biết khả năng cháy đều, sáng trắng và được xác định bằng phương pháp ASTM D1322.
Độ nhớt động học:Độ nhớt động học cho biết khả năng chảy và bôi trơn của dầu hỏa và được xác định bằng phương pháp ASTM D445.
Điểm chớp cháy:Điểm chớp cháy là chỉ tiêu kỹ thuật cho biết về hiểm họa cháy và là cơ sở về mức nhiệt độ để bảo quản, tồn chứa và sử dụng dầu hỏa; và được xác định bằng phương pháp ASTM D 93.
Chỉ tiêu kỹ thuật về định tính đối với lưu huỳnh mercaptan:Chỉ tiêu kỹ thuật về định tính đối với lưu huỳnh mercaptan được đưa ra nhằm loại bỏ những phản ứng phụ không mong muốn và giảm mức tối đa mùi hôi không dễ chịu. Chỉ tiêu này được xác định bằng phương pháp ASTM D 4952.